Những câu hỏi thường gặp về HIV/AIDS
Tôi chắc chắn rằng khi đã được chẩn đoán là nhiễm HIV thì cái chết là tất yếu?
Không đúng. Những thuốc và phác đồ điều trị hiện nay sẽ giúp cho người sống chung với HIV sống lâu hơn và khỏe mạnh. Người Việt Nam đầu tiên nhiễm HIV từ năm 1990 vẫn còn đang sống khỏe mạnh và đang được điều trị ARV.
Tôi bị nhiễm HIV nhưng tôi vẫn thấy khỏe. Tôi chưa cần phải điều trị ngay?
Mặc dù bạn thấy vẫn khỏe nhưng có thể hệ miễn dịch của bạn đã bị suy giảm. Để bảo vệ hệ miễn dịch của bạn, bạn nên điều trị thuốc kháng vi rút sớm trước khi bạn bị ốm. Như vậy hệ miễn dịch cũng như sức khỏe của bạn sẽ được phục hồi nhanh hơn.
Điều trị HIV sẽ không hiệu quả nếu tôi vẫn sử dụng ma túy. Vì thế tôi chỉ nên điều trị khi không còn dùng ma túy nữa?
Các nghiên cứu đã chứng minh thuốc kháng vi rút vẫn có hiệu quả ngay cả khi người bệnh đang sử dụng ma túy. Vì thế bạn không nên chần chừ trong việc đến cơ sở y tế để được điều trị HIV. Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc việc điều trị Methadone và ngừng sử dụng ma túy nếu có thể.
Tôi và bạn tình đều có HIV. Chúng tôi không cần sử dụng bao cao su?
Có những chủng (loại) vi rút HIV khác nhau. Ngay cả khi bạn có HIV, bạn vẫn có thể nhiễm thêm các chủng vi rút HIV khác. Điều này có nghĩa là bạn có thể bị nhiễm các chủng HIV kháng thuốc từ người khác. Nếu bạn bị nhiễm các chủng HIV kháng thuốc thì việc điều trị của bạn sẽ khó khăn và kém hiệu quả hơn. Đồng thời, nếu bạn không sử dụng bao cao su, bạn cũng có thể bị nhiễm các bệnh lây truyền khác, ví dụ như Viêm gan B, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, từ bạn tình của bạn. Vì thế bạn nên sử dụng bao cao su khi có bất kỳ hình thức quan hệ tình dục nào.
Nếu tôi bị nhiễm HIV thì tôi không nên có con vì con của tôi chắc chắn sẽ bị nhiễm HIV?
Nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút (thuốc ARV) trong quá trình mang thai thì khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất thấp hoặc gần như không có. Vì thế bạn cần trao đổi với bác sĩ tại các cơ sở y tế chăm sóc và điều trị HIV hoặc khoa sản để được điều trị dự phòng và bảo vệ con của bạn khỏi nguy cơ nhiễm HIV.
Tôi nghe nói thuốc ARV rất độc vì thế nếu điều trị ARV khéo còn chết sớm hơn?
Các thuốc ARV hiện nay có ít tác dụng phụ hơn. Phần lớn các tác dụng phụ này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và sẽ mất đi sau vài tuần khi mà cơ thể bạn quen với những loại thuốc này. Bạn cần thông báo cho bác sĩ kịp thời về bất cứ tác dụng phụ nào mà bạn gặp phải.
Việc điều trị ARV là rất phức tạp vì thế tôi nên đến Bệnh viện Tỉnh để được điều trị?
Nếu bạn được điều trị sớm khi hệ thống miễn dich chưa bị suy giảm nặng, cơ thể bạn chưa bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng, thì việc điều trị của bạn có thể được tiến hành tại các tuyến y tế cơ sở như Trung tâm y tế Huyện hoặc thậm chí là Trạm y tế xã mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Việc điều trị muộn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng cũng như các biến chứng do nhiễm HIV gây ra. Trong trường hợp này bạn sẽ phải điều trị lâu dài tại các Bệnh viện tuyến trên.
Một người độc thân không thể được điều trị ARV bởi vì không có người hỗ trợ?
Trên thực tế sự hỗ trợ của gia đình là rất cần thiết trong quá trình điều trị. Tuy nhiên đối với một người sống độc thân vẫn có thể có nhiều cách hỗ trợ khác nhau. Các nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng viên, các câu lạc bộ, các bạn cùng điều trị và cán bộ y tế sẽ giúp bạn trong quá trình điều trị (lúc mới bắt đầu điều trị và nhiều năm tiếp theo).
Nhìn bề ngoài có thể đoán được người nào bị nhiễm HIV?
Không thể biết được tình trạng nhiễm HIV của ai đó nếu chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài. Chỉ có xét nghiệm máu mới có thể kết luận một người có bị nhiễm HIV hay không.
Bạn tôi nói rằng HIV có thể lây qua muỗi đốt?
Muỗi đốt không làm lây lan HIV. Bởi vì HIV không tồn tại trong cơ thể muỗi và các côn trùng khác.
HIV có thể lây qua việc ôm, hôn, bắt tay hoặc dùng chung vật dụng với người sống chung với HIV?
HIV không lây qua việc tiếp xúc, ôm, hôn, bắt tay hoặc dùng chung vật dụng với người sống chung với HIV. Tuy nhiên việc tiếp xúc với dịch cơ thể của một người sống chung với HIV ví dụ như tinh dịch, dịch âm đạo, máu hoặc sữa mẹ có thể lây nhiễm HIV. HIV có thể lây nhiễm qua việc tiếp xúc với máu nhiễm HIV, dùng chung dụng cụ tiêm chích hoặc xăm mình.
Tài liệu này được Văn phòng Đại diện Tổ chức y tế Thế giới (WHO) xây dựng để áp dụng cho các hoạt động liên quan đến Sáng kiến điều trị 2.0.